Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành: Doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế
Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác quản trị doanh nghiệp sản xuất” tổ chức ngày 14/10 tại TP.HCM, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức chưa từng có do Đại dịch COVID-19 mang lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn không ít những khó khăn. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đang nổi lên như một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với hoàn cảnh mới. Đây vừa là nhu cầu, vừa là xu hướng tất yếu, khách quan giúp doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển.
Theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Ông cho rằng, khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút,…
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích trong bối cảnh hiện nay, giúp doanh nghiệp đạt được 5 mục tiêu cơ bản, gồm: tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường; tăng năng suất lao động; tăng tốc độ tiếp cận thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, đối tác”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, trong đó khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Mới đây, vào ngày 22/4/2022, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm làm ngày chuyển đổi số quốc gia. Như vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng cho sự phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, tiêu biểu là các ngành: tài chính, giao thông, du lịch, thương mại điện tử, sản xuất công nghiệp,… và tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ trong nước”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, thực tế cho thấy có một sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh hơn và tin tưởng vào kết quả tích cực của chuyển đổi số hơn. Có đến 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Từ những đánh giá trên, ông Võ Tân Thành cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đã phát huy tác dụng trong đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số. Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống./.
năm làm ngày chuyển đổi số quốc gia. Như vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng cho sự phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, tiêu biểu là các ngành: tài chính, giao thông, du lịch, thương mại điện tử, sản xuất công nghiệp,… và tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ trong nước”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.