VCCI tôn vinh Top 100 doanh nghiệp bền vững 2022

Ngày 01/12/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định: Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy tính chủ động, năng lực sáng tạo của doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, hài hòa với lợi ích môi trường và xã hội; chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Những doanh nghiệp bền vững được vinh danh là những doanh nghiệp đã nhận thức đúng triết lý cốt lõi của kinh doanh chân chính là tạo nên giá trị lợi ích hài hòa, bền lâu cho chính doanh nghiệp, cho cả cộng đồng và cho thế hệ tương lai. Nhiều doanh nghiệp là những doanh nghiệp lớn đã có bề dày lịch sử hoạt động sản xuất-kinh doanh, đã quyết liệt “làm mới mình”, chuyển đổi một cách có hệ thống từ tư duy kinh doanh đơn thuần sang kinh doanh bền vững. Có những doanh nghiệp mới chỉ là các start-up, nhưng ngay khi khởi nghiệp họ đã xác định chiến lược kinh doanh có trách nhiệm để tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Tất cả họ xứng đáng nhận được sự cổ vũ và biểu dương của toàn xã hội.

Những tấm gương doanh nghiệp được biểu dương trong Lễ công bố hôm nay cho thấy sức lan tỏa ngày càng rộng của Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam và của Bộ chỉ số CSI. Trải qua 07 mùa triển khai Chương trình, VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam luôn chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan, phổ biến, cập nhật và hoàn thiện Bộ Chỉ số CSI. VCCI mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực, quý báu của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công đã Phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 (CSI 2023) và kỳ vọng rằng với sức lan toả của Chương trình CSI, cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh.

“Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chung tay bồi đắp nên những thành công mới mở ra Thập kỷ Phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau và Doanh nghiệp bền vững, Quốc gia thịnh vượng, vững bền!”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng VBCSD nhận định: Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, tăng trưởng kinh tế suy giảm trên phạm vi toàn cầu và những tác động nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu… Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều đặt ra những ưu tiên, lựa chọn, hay các chính sách khác nhau để có thể thực hiện thành công các chiến lược phát triển của riêng mình.

Tuy nhiên, trên hải trình hướng đến sự phồn vinh, thịnh vượng, vẫn luôn có một ngọn hải đăng dẫn lối cho các con tàu quốc gia cùng đi đến đích chung. Đó chính là Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015. Từ đó, các quan điểm về phát triển bền vững bắt đầu được mở rộng ra và mang tính bao trùm lớn hơn, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại là được sống trong hoà bình, phát triển xanh, môi trường sống trong sạch, bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, không còn chiến tranh và đói nghèo.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Gần 20 năm trước, ở Việt Nam, khi chúng tôi bắt đầu nói với doanh nghiệp về phát triển bền vững, thì hầu hết doanh nghiệp đều rất mơ hồ về khái niệm này. Trong khi chúng ta hiểu rằng sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu một cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Ở thời đại của chúng ta, chúng ta không chỉ nói đến kinh doanh đơn thuần, mà chúng ta phải đến kinh doanh có trách nhiệm.

Chúng ta không chỉ nói đến tăng trưởng chung chung mà sự tăng trưởng đó phải là bền vững và bao trùm. Đó chính là trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta. Và việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững là định hướng và tôn chỉ hoạt động của VCCI đã theo đuổi từ rất sớm. VCCI đã cụ thể hóa định hướng đó thông qua nhiều chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt là thành lập VBCSD từ 12 năm trước.

Cũng với tinh thần đó, rất nhanh chóng sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được Liên Hợp Quốc đạo thông qua vào năm 2015, VCCI lần đầu tiên đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững vào năm 2016.

Năm nay, bước sang năm thứ 07 triển khai, Chương trình tiếp tục ghi nhận sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Lễ công bố ngày hôm nay, chúng ta sẽ biểu dương 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất – những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam.

Để CSI có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp ở từng quy mô khác nhau, VCCI luôn nỗ lực nghiên cứu, cập nhật, bổ sung Bộ chỉ số CSI để áp dụng đa dạng cho các doanh nghiệp ở nhiều quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau tại Việt Nam.

“Ban Tổ chức chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ sớm có thêm nhiều gương mặt mới, những “cánh chim không mỏi gieo hạt mầm xanh” đồng hành cùng VBCSD, VCCI trên hành trình đó. Chúng ta đang nỗ lực để truyền tải đến thế giới thông điệp: Việt Nam sẽ chuyển đổi, tăng tốc và bứt phá để đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội, thịnh vượng và bao trùm.”- ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Cùng ngày, VCCI tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp Bền vững – Quốc gia Thịnh vượng”, phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược PTBV doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG). Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Thời gian qua, VCCI đã nỗ lực trong kiến tạo các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao như các chuẩn mực mới.

Đạo đức, văn hoá kinh doanh vừa tạo ra nội lực và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, vừa là nền tảng không thể thiếu cho sự PTBV của doanh nghiệp.

Text Box: Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp, Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) được VCCI chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, không phân biệt quy mô cũng như lĩnh vực hoạt động.
Từ các hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn 148 hồ sơ để Hội đồng xét duyệt đánh giá, chấm điểm và trình Ban Chỉ đạo quyết định 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu nhất để biểu dương tại Lễ công bố. Trong đó, ở Top 10 các doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và sản xuất, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 40%, 25% và 35%.
Ngoài việc biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, Chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong ba hạng mục chuyên đề: Thúc đẩy quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc làm; Kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền trẻ em trong kinh doanh; Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp năm nay, Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI phiên bản 2022 đã được cập nhật với 130 chỉ tiêu, trong đó có 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật – là yêu cầu bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp, 32% là các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x